Trị vì Triều_Tiên_Trung_Tông

Những cải cách

Buổi đầu lên ngôi, nhà vua cố gắng sửa chữa các sai lầm từ thời Yên Sơn Quân bằng việc mở lại Thành Quân Quán, trường đại học quốc gia và Ngự sử đài, có chức năng chỉ trích và phê phán những hành động không phù hợp của nhà vua. Trong thời gian đầu mới lên nắm quyền, ông đã không thế sử dụng và phát huy vương quyền như ông mong muốn bởi vì những người mà đưa ông lên ngôi còn có quyền lực to hơn. Tuy nhiên, khi ba người đứng đầu của cuộc chính biến qua đời vì tuổi tác và những nguyên nhân tự nhiên sau tám năm, Trung Tông bắt đầu khẳng định quyền lực của mình và thực hiện một cuộc cải cách quy mô lớn với sự trợ giúp của Triệu Quang Tổ cùng các học giả thuộc phái Sĩ lâm - phái các nho sĩ tiến thân qua con đường thi cử và học vấn.

Triệu Quang Tổ tăng cường thêm quyền tự chủ của địa phương bằng cách thiết lập hệ thống tự quản lý gọi là Hyang'yak, ban hành các tác phẩm Nho giáo với việc dịch ra tiếng Triều Tiên và phân phối chúng rộng rãi; theo đuổi cải cách ruộng đất mà có thể phân phối một cách công bằng nhất giữa những người giàu và nghèo, ông còn công bố hệ thống tuyển chọn nhân tài bổ sung cho triều đình. Ông tin tưởng rằng chỉ cần là người có tài năng thì bất kỳ ai cũng sẽ được bổ nhiệm làm quan, kể cả nô lệ. Theo các quan Ngự sử, ông giám sát việc thực thi pháp luật nghiêm minh chính xác đến nỗi mà không có ai dám nhận hối lộ công khai hoặc bóc lột nhân dân địa phương trong thời gian này theo Biên niên sử của nhà Triều Tiên.

Tuy nhiên, những cải cách phải đối mặt với nhiều đối lập từ những quý tộc bảo thủ thuộc nhóm "Huân cựu", người đã đưa nhà vua lên ngai vàng. Sau bốn năm ngắn ngủi của chương trình cải cách, Trung Tông đột ngột hủy bỏ, bởi vì nhà vua hoặc mất niềm tin vào cuộc cải cách hoặc sợ rằng thế lực của Triệu Quang Tổ đang trở nên quá mạnh. Trong khi Trung Tông và Triệu Quang Tổ đang thực hiện chương trình cải cách, thì nhà vua cũng quan tâm đến việc củng cố lại quyền lực của triều đình và tư tưởng tân Nho giáo.

Vào tháng 11, năm 1519, khi các quý tộc bảo thủ vu khống Triệu Quang Tổ không trung thành bằng cách viết và tuyên truyền Tẩu tiếu vi vương (走肖为王; 주초 위왕). Trung Tông buộc tội và lưu đày Triệu Quang Tổ cùng phe cánh và đột ngột từ bỏ cải cách của ông. Sự kiện này được gọi là Kỉ Mão sĩ họa (己卯士禍; 기묘사화).

Xung đột chính trị

Sau khi Triệu Quang Tổ thất bại, Trung Tông không bao giờ được cai trị theo ý mình. Triều đại của ông có nhiều sự tranh đấu giữa các phe phái khác nhau, mỗi phe phái được hỗ trợ bởi một trong các Vương phi hay các hậu cung của nhà vua.

Năm 1524, quan chức Kim An Lão bị phế truất vì bị buộc tội tham nhũng. Phe phái của Kim An Lão đã trả thù phái kia vào năm 1527 bằng cách lập mưu chống lại Kính Tần họ Phác - một trong những hậu cung của nhà vua, dẫn đến việc bà cùng với cậu con trai là vương tử Phúc Thành quân bị lưu đày. Kim An Lão lấy lại quyền lực và tiếp tục trả thù cho đến khi ông bị loại khỏi nội các bởi Doãn Nguyên Lão (Yun Wonro) và Doãn Nguyên Hành (Yun Wonhyeong)- 2 người anh em của Văn Định vương hậu. Tuy nhiên, Doãn Nhâm - đồng minh của Kim An Lão giữ được chức vị Thế tử cho cháu trai của mình, sau này là Triều Tiên Nhân Tông, lúc đó Văn Định Vương hậu chưa có con trai.

Doãn Nhâm tiếp tục tranh đấu quyền lực với 2 người anh em của Văn Định vương hậu là Doãn Nguyên Hành và Doãn Nguyên Lão. Phe phái của Doãn Nhâm được gọi là Đại Doãn và phe của 2 anh em Doãn Nguyên Lão và Doãn Nguyên Hành gọi là Tiểu Doãn. Xung đột của họ đã dẫn đến cuộc thanh trừng lần thứ tư vào năm 1545 sau khi Trung Tông qua đời.

Triều đại suy yếu do hậu quả của việc xung đột nội bộ liên tục. Cướp biển Uy khấu thường cướp bóc các vùng ven biển phía Nam, trong khi người Nữ Chân tấn công biên giới phía bắc nhiều lần.

Qua đời

Năm 1544, ngày 14 tháng 11, sau 38 năm trị vì, Quốc vương băng hà tại Hoan Khánh điệnXương Đức cung, thọ 56 tuổi. Trước đó, ông triệu tập Tả nghị chính Hồng Ngạn Bật (洪彦弼) và Hữu nghị chính Doãn Nhân Kính (尹仁鏡), phó thác phò trợ Thế tử kế vị, tức Triều Tiên Nhân Tông.

Nhà Minh ban thụy hiệu là Cung Hi, miếu hiệu Trung Tông (中宗), Triều Tiên dâng thụy hiệuCung Hi Huy Văn Chiêu Vũ Khâm Nhân Thành Hiếu đại vương (恭僖徽文昭武欽仁誠孝大王), Hangul là (공희휘문소무흠인성효대왕).

Ban đầu Nhân Tông đã an táng cha mình tại Tĩnh Lăng ngay gần phần mộ của mẫu hậu mình là Chương Kính vương hậu đã mất trước đó. Tuy nhiên vào năm 1562, tức năm Minh Tông thứ 17, Tĩnh Lăng đã được di chuyển sang vị trí hiện nay, tức gần lăng của Triều Tiên Thành Tông. Việc di chuyển này là ý của vương hậu thứ ba của ông, Văn Định Vương hậu, do bà muốn được nằm cạnh ông sau khi bà qua đời. Tuy nhiên ý định của bà đã không bao giờ trở thành hiện thực, bởi vì khi bà mất, khu vực Tĩnh Lăng mới này bị thương tổn nặng do lũ lụt, do đó Văn Định Vương hậu đã được an táng ở một chỗ khác là Thái Lăng.[1]

Liên quan